Ở tuổi U80, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết mong muốn đào tạo thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ để giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết (giữa) mong muốn đào tạo thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ. Ảnh: NSCC.

NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”. Bà từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965, nổi tiếng với các vở kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên…

Một nghệ sĩ tiên phong hoạt động mạng xã hội rầm rộ là NSND Bạch Tuyết. Bà đã lập fanpage, kênh YouTube, trang web cách đây nhiều năm. Gần đây, bà còn lấn sân sang TikTok, nền tảng đang được rất nhiều giới trẻ ưa chuộng.

Thời gian qua, bà có nhiều dự án để phát triển cải lương, đưa nghệ thuật này gần hơn với công chúng thông qua YouTube, TikTok. Bà cover nhiều ca khúc nhạc trẻ thành phiên bản vọng cổ, chia sẻ trên mạng.

Bà còn phát triển dự án Tinh hoa cải lương, gồm nhiều video clip ngắn trên TikTok, YouTube, với mục đích cung cấp kiến thức cũng như những thông tin thú vị về những vở diễn kinh điển cho người xem.

Mỗi video, NSND Bạch Tuyết sẽ cùng tương tác với những bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau…

NSND Bạch Tuyết cũng thường xuyên kết hợp với các trường đại học để giao lưu, chia sẻ về cải lương với sinh viên thông qua các buổi nói chuyện với chủ đề rất đa dạng. Tất cả đều được cập nhật liên tục trên các nền tảng này.

Mục tiêu lớn nhất của bà là đưa cải lương hiện diện trong họ, ít nhất để họ có thể biết và tiếp tục lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, bà còn ra mắt “Học viện Cải lương”. Đây là chương trình truyền hình thực tế với tổ hợp gồm đào tạo – tranh tài – trình diễn. Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” – nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình.

Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca – diễn cải lương. Đồng thời, chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa – nghệ thuật nước nhà.

NSND Bạch Tuyết kì vọng tìm kiếm những thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ. Ảnh: NSCC.

Theo NSND Bạch Tuyết, bà có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình. Các thầy cô trong học viện sẽ đồng hành, giúp đỡ để học viên phát triển về sau.

Học viện Cải lương sẽ có 12 tập. Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế.

“Có 2 việc mà con người không thể nào biết được. Một là ngày mình sinh ra và hai là ngày mình rời đi. Cho nên, mỗi ngày mở mắt ra thấy mình vẫn còn sống thì tôi vẫn còn tiếp tục làm việc để trả ơn đời, trả ơn cha mẹ, trả ơn Tổ nghiệp… Căn bản của đạo làm người là thương người (thương vật) và lòng biết ơn. Nên cứ làm việc hết lòng khi còn thở”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

“Tôi mong muốn những người trẻ có một sân chơi để cùng hát, ca, gặp gỡ, tự học nhau. Các chuyên gia giúp họ phát triển được khả năng đang có, phát triển tư duy”, NSND Bạch Tuyết nói thêm.

Nghệ sĩ Thanh Hằng nói trong quá trình làm nghề, may mắn được làm việc cùng với những bậc tiền bối. Trong đó, NSND Bạch Tuyết mang đến cho chị nhiều bài học, đặc biệt là tư duy sáng tạo, làm đẹp cho nghệ thuật cải lương. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia chương trình, chị gật đầu ngay.

Nghệ sĩ Châu Thanh nói luôn mong có cơ hội làm việc cùng NSND Bạch Tuyết, bởi không chỉ học ở đàn chị về chuyên môn nghề nghiệp mà còn về tư duy đạo đức. Chương trình bắt đầu phát sóng từ tháng 4.2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

Di Py – Báo Lao Động (18/12/2023)

Hướng Đi Mới Của Nghệ Sĩ Nhân Dân Bạch Tuyết Ở Tuổi U80