NSND Bạch Tuyết Tâm Huyết Với Học Viện Cải Lương

(NLĐO) – Chương trình xây dựng theo dạng Học viện có Viện trưởng là NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết.

Ngày 1-4, nhà sản xuất chương trình Học viện Cải lương tổ chức buổi họp báo giới thiệu mùa giải đầu tiên của Học viện Cải lương. Đây là dự án tâm huyết của NSND Bạch Tuyết (dù bà đã ở tuổi U80). NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh, nghệ sĩ Thanh Hằng, NSND Thanh Hải là những thành viên chủ chốt, đồng hành xuyên suốt cùng cuộc thi.

NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết phát biểu tại buổi họp báo

Chương trình Học viện Cải lương với tổ hợp gồm “đào tạo – tranh tài – trình diễn”, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới. Họ không chỉ làm nghề mà còn làm văn hóa, góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương.

Chương trình Học viện Cải lương gồm 12 tập. Trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh, 8 tập tiếp theo là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho các thí sinh. Từ 50 thí sinh ban đầu, sẽ chọn ra 25 thí sinh bạn đi tiếp vào vòng trong. Sau đó loại dần còn lại một số thí sinh bước vào vòng chung kết.

Tập 12 sẽ khép lại chương trình, công bố ngôi vị quán quân cải lương.

Nhà sản xuất cho biết sẽ tổ chức nhiều hình thức nhằm tạo môi trường để các thí sinh, có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp. Tiêu chí của chương trình là đi tìm – đào tạo – truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng thí sinh.

Ngoài những nghệ sĩ – giảng viên cơ hữu, Học viện Cải lương còn mời gọi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, từng phần thử thách. Các nghệ sĩ tên tuổi sẽ góp mặt là: NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSND Vương Hà, NSND Hữu Quốc, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Bạch Long, nghệ sĩ Kiều Mai Lý, diễn viên Lê Khánh…

NSƯT Diệu Hiền trao đổi tại buổi họp báo của Chương trình Học viện Cải lương

Bên cạnh việc học ca – diễn, học viên còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: trang điểm, catwalk, chụp ảnh… để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.

Chương trình “đào tạo – tranh tài – trình diễn” của Học viện Cải lương nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ vàng là thương hiệu dầu gội Fresh – Tóc khỏe mượt từ thiên nhiên (Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn), nhà tài trợ bạc Dragon Capital.

Học viện Cải lương sẽ lên sóng lúc 19 giờ trên TodayTV – YouTV; 20 giờ trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết, vào Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 7-4-2024.

Thanh Hiệp (Ảnh: Học viện Cải lương) – Báo NLĐO (01/04/2024)

NSND Bạch Tuyết Tiết Lộ ‘Công Thức’ Nổi Tiếng Của Nghệ Sĩ Cải Lương Xưa

NSND Bạch Tuyết vừa có những trải lòng về cải lương xưa, đồng thời nhắn nhủ đến các bạn trẻ yêu quý, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

NSND Bạch Tuyết tâm huyết với Học viện cải lương. NVCC

Ở tuổi gần 80, NSND Bạch Tuyết vẫn khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết. Mới đây, bà cùng các cộng sự sáng lập Học viện cải lương, đào tạo các bạn trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống. Đồng hành cùng NSND Bạch Tuyết là nghệ sĩ Châu Thanh, nghệ sĩ Thanh Hằng và nghệ sĩ Thanh Hải.

NSND Bạch Tuyết vui khi có khoảng 300 thí sinh tham gia vòng casting, chủ yếu là những gương mặt trẻ. Bà cho rằng đây là nhân tố tiếp nối các giá trị, tạo ra một bản sắc cải lương phù hợp với xã hội đương thời. Tại buổi tuyển chọn, NSND Bạch Tuyết dành thời gian trò chuyện, động viên đàn em trước các phần thi quan trọng.

NSND Bạch Tuyết mong rằng ngoài học hát, học làm nghề thì các bạn trẻ cần phải học làm người. NVCC

“Tôi sinh ra trước, nên nay lớn tuổi hơn các bạn, nhưng tâm và ý không tuổi. Hai yếu tố này quyết định cuộc đời chúng ta. Tâm và ý sinh tướng, tác động đến vẻ đẹp. Ý nghĩ lành, tâm lành, thì mọi sự phát triển tốt đẹp. Vì thế, tại đây không có ranh giới giữa người nhiều tuổi và người ít tuổi, người nổi tiếng hay không nổi tiếng. Chúng ta công bằng trong tình yêu, khát vọng dành cho cải lương và văn hóa Việt”, nữ nghệ sĩ bộc bạch.

Theo bà, để nổi tiếng thì nghệ sĩ cần quan sát kỹ mọi tình huống trong cuộc sống, tổng hợp thành vốn liếng biểu diễn. NSND Bạch Tuyết cho rằng nghệ sĩ giỏi phải ứng biến linh hoạt. “Vào chương trình, các bạn học hát, học nghề là hiển nhiên. Nhưng tôi mong đầu tiên các bạn học làm người như lời thầy tôi – NSND Phùng Há đã từng dạy, từ đó trở thành thế hệ nghệ sĩ tiếp nối một cách xứng đáng”, bà tâm sự.

NSND Bạch Tuyết cùng Thanh Hằng, Châu Thanh tìm kiếm những giọng ca mới cho sân khấu cải lương. NVCC

NSND Bạch Tuyết cho rằng đến hiện tại nhiều nghệ sĩ vẫn còn được khán giả nhắc vì họ có nhiều tuồng hay, vai diễn ấn tượng. Từ đó, giọng ca cải lương đề cao vai trò của tác giả. Theo bà, ngoài kỹ năng ca – diễn thì việc thế hệ mới biết hoặc tập tành sáng tác cũng quan trọng, hướng tới trở thành nghệ sĩ toàn năng.

“Thời chúng tôi cực nhưng cũng sướng lắm. Ông bầu phát hiện nghệ sĩ có hơi tốt thì mời về ngay, mướn soạn giả viết tuồng, người đờn. Sau đó, họ cho thu tuồng, thu bài, phát trên đài phát thanh mỗi ngày 5 lần. Nếu ca hay thì chỉ 3 tháng sau nghệ sĩ sẽ nổi tiếng. Chỉ cần nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được ông bầu, bà bầu thưởng thêm rất nhiều”, NSND Bạch Tuyết tiết lộ “công thức” nổi tiếng của nghệ sĩ cải lương xưa.

Theo “cải lương chi bảo”, nghệ sĩ ngày trước không tranh đua, chỉ tập trung làm nghề cho tốt. Bà cũng bật mí chuyện trở thành đào chính từ năm 16 tuổi. Khi đó, NSND Bạch Tuyết ký một giao kèo, cất được căn nhà 3 tầng cho người thân. Bà nhấn mạnh hiện tại nghệ sĩ cần hoạt động có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng mới có thể phát triển bền vững.

Thạch Anh – Báo Thanh Niên (27/3/2024)

 

 

 

NSND Bạch Tuyết: Năm 16 Tuổi, Tôi Đã Cất Được Căn Nhà Lầu 3 Tầng Cho Ba

NSND Bạch Tuyết cho biết năm 16 tuổi bà đã được làm đào chánh, ký một giao kèo đã đủ tiền cất nhà lầu 3 tầng cho ba.

NSND Bạch Tuyết là một trong những “cây đa cây đề” của cải lương Việt Nam. Ở tuổi 80, bà vẫn khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ về bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Tham gia chương trình Học viện cải lương, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách nổi tiếng và làm một người nghệ sĩ giỏi. Nữ nghệ sĩ bày tỏ: “Một nghệ sĩ giỏi phải biết ứng biến linh hoạt. Muốn có đủ chất liệu ứng biến thì cần tích lũy, từ kiến thức tổng quát, hiểu biết về nghề và thực tiễn cuộc sống. Để trong suốt quá trình rèn luyện, mài giũa, khi vở diễn, vai diễn, bài ca cần đến, chúng ta có cái để ‘xài’. Không có sự sáng tạo nào không xuất phát từ cái thực – thực của nghề, của tâm, của tri thức mà mình luôn học hỏi”.

Đối với NSND Bạch Tuyết, một người nghệ sĩ giỏi phải biết ứng biến linh hoạt.

NSND Bạch Tuyết kể lại: “Thời chúng tôi cực nhưng cũng sướng lắm. Ông bầu phát hiện nghệ sĩ có hơi tốt thì mời về ngay, mướn soạn giả viết tuồng, người đờn. Sau đó, họ cho thu tuồng, thu bài, phát trên đài phát thanh mỗi ngày 5 lần. Nếu ca hay thì chỉ 3 tháng sau nghệ sĩ sẽ nổi tiếng. Chỉ cần nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được ông bầu, bà bầu thưởng thêm rất nhiều.

Nghệ sĩ vì thế không tranh đua, chỉ tập trung làm nghề cho thật tốt. Năm 16 tuổi, khi tôi làm đào chánh, ký một giao kèo đã cất được căn nhà lầu 3 tầng cho ba tôi. Ở học viện này, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho các bạn được chăm chút như thế. Bạn nào siêng, chịu học sẽ phát triển”.

Năm 16 tuổi, NSND Bạch Tuyết đã xây được nhà lầu cho ba.

NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945, được mệnh danh là “cải lương chi bảo” và là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên ở Việt Nam. Bà nổi tiếng qua các vở kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên,… Thời gian qua, NSND Bạch Tuyết còn gây sốt khi kết hợp với nhiều ca sĩ trẻ cho ra những sản phẩm âm nhạc “pha chất” cải lương như Cô Ba ca cổ (Hồ Phi Nal), Về nghe mẹ ru (Hoàng Dũng),…

NSND Bạch Tuyết từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965. Năm 2024, bà được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 50 over 50: Asia 2024 (50 người phụ nữ khu vực châu Á có tầm ảnh hưởng trong năm 2024).

Mới đây, NSND Bạch Tuyết đảm nhận vai trò viện trưởng trong Học viện âm nhạc. Chương trình còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng và NSND Thanh Hải. Theo NSND Bạch Tuyết, nghệ thuật cải lương đã tồn tại hơn 100 năm và đồng hành cùng dân tộc, văn hóa dân tộc. Vì thế, bà luôn ấp ủ tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật này và mong mang đến gần hơn với nhiều khán giả.

Theo Minh Đăng (Arttimes) – https://www.24h.com.vn (30/3/2024)

NSND Bạch Tuyết: “Đừng Than Phận Khó Ai Ơi! Còn Da Lông Mọc Còn Chồi Nảy Cây”

“Sách vở có hay đến mấy thì cuộc đời trong sách cũng kết thúc rồi. Mình cứ học và biết ơn những gì trong sách đi, nhưng hãy viết những cuốn sách mới cho chính mình.”

Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Tốt nghiệp đại học và trở thành tiến sĩ từ năm 40 tuổi, là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên tại Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết là minh chứng cho câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Bên cạnh cải lương, cô còn có nhiều niềm đam mê với những quy luật vũ trụ và những nghiên cứu xung quanh não bộ con người.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với host Thuỳ Minh tại podcast Have A Sip, cô đã đưa khán giả thăng trầm theo những chia sẻ, những chiêm nghiệm trong cuộc sống, thông qua kho khiến tức khổng lồ cô đã tích lũy được trong suốt 80 năm tuổi đời, và gần 70 năm tuổi nghề.

Cùng lắng nghe những chia sẻ của NSND Bạch Tuyết tại Have A Sip nhé!

Sự bất ổn định mới là bản chất của cuộc sống

Sau nhiều năm sự nghiệp, cô nhận ra sự khác biệt giữa việc hoá thân thành một nghệ sĩ cải lương, với việc trở thành nhân vật chính của thước phim cuộc đời. Nếu như sân khấu có tính quy luật, diễn viên đã có sẵn kịch bản, và mình chỉ cần tập thoại sao cho đúng. Thì ngoài đời, mình phải tự biên, tự diễn.

“Tất cả mọi thứ trên đời đều đổi thay. Chỉ có sự đổi thay là không thay đổi” – NSND Bạch Tuyết trích lại lời của tiểu thuyết gia Louis L’Amour | Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Để giảm bớt gánh nặng và những điều tiêu cực, cô khuyên mọi người nên chấp nhận rằng, không có ngày nào giống ngày nào. Có những ngày chưa thức dậy mà trời đã bừng sáng, nhưng có những ngày trời trưa nắng rồi nhưng vẫn âm u. Cuộc sống sẽ có những ngày bình yên, đan xen những ngày bão tố.

Nếu mình ngạc nhiên và hốt hoảng khi gặp bão táp, đó là do bản thân chưa nắm bắt được quy luật vận hành của vũ trụ, còn nếu nắm rồi thì sẽ cảm thấy thanh thản, bình yên, vì: “Đó cũng chỉ là quy luật thôi chứ có gì đâu.”

Biết hai điều này, cả đời sẽ không bao giờ khổ

Cô quan điểm mỗi người đều đang gieo trồng 1 hạt giống, và những việc chúng ta làm sẽ góp phần nuôi dưỡng hạt giống đó. Nếu bạn luôn tử tế và biết ơn cuộc đời, thì đến mùa gặt hái, bạn sẽ gặt được thành quả “so good”, và nó không thể nào khác được.

Cô cho rằng “thương người như thể thương thân”, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ khiến những tế bào trong cơ thể đẹp hơn mỗi ngày | Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Khi gặp một người già bán vé số, cô suy nghĩ: “Tiền xài có hết đâu mà sao mình không cứu người ta được”, và từ đó hình thành nên thói quen giúp đỡ người khác. Nếu trồng hạt giống xấu thì cây gieo lên sẽ xấu. Nếu không quan sát, để ý, bạn sẽ thắc mắc; “Ủa cây này đâu phải của tui”, từ đó lại nảy sinh lòng hận thù sâu sắc với thế giới.

Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận.

Những kiến thức này ta đều không thể học trong trường lớp, vì những điều này là những viên ngọc thô mà bản thân mỗi người phải tự tìm tòi, khám phá và mài dũa. Bởi lẽ nếu biết được điều gì càng dễ dàng, chúng ta càng dễ lãng quên.

Những khoảng cách thế hệ

Ở thời cô, cải lương thường phải cạnh tranh với sự phổ rộng của các bộ phim Ấn Độ. Tuy nhiên, cải lương vẫn được yêu mến đến tận thời nay, vì nó mang đậm cái hồn và phản ánh sâu sắc văn hoá dân tộc.

Những vai diễn trong các vở cải lương phản ánh sâu sắc thân phận con người trong xã hội: Từ người con gái bán mình nuôi cha mẹ trong Nửa đời hương phấn, đến nỗi đau đáu một kiếp người trong Thảm kịch tuổi xanh…

Nhưng ở thời nào, khán giả cũng đón nhận nghệ sĩ, cốt lõi là vì những giá trị họ đem lại cho cộng đồng, rồi mới đến tài năng, chuyên môn. Bởi lẽ sẽ có nhiều thế hệ tài năng, giỏi giang hơn có thể thay thế những thế hệ cũ.

“Mình được nói chuyện, và được các bạn trẻ quay phim cho lên hình đẹp, thì có gì đâu mà mệt trời!” – NSND Bạch Tuyết | Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ trẻ có nhiều tài năng hơn, và họ có mạng xã hội như Facebook hay YouTube để dễ dàng tương tác với khán giả hơn. Tuy nhiên, hình ảnh của nghệ sĩ trong lòng công chúng vẫn là chính yếu. Và cô mong thế hệ trẻ sẽ tập trung vào việc truyền tải các giá trị, bản sắc dân tộc, thay vì đuổi theo những giá trị vô hình.

Kết

Cụm từ “Know how to use” được cô sử dụng để đúc kết mọi vấn đề, và cũng là cụm từ Tiếng Anh cô thích nhất. Khi đã nắm bắt được những kỹ thuật, quy tắc, bạn phải biết sử dụng những gì mình đang có, để những giá trị con người hay tri thức – những thứ xuất phát từ tâm, sẽ không bị “oxi hoá” hay mai một theo thời gian, như những đồ vật hiện hữu ngoài cuộc sống.

Rachel VõVietcetera (22/01/2024)

NSND Bạch Tuyết Cùng Các Bạn Trẻ Ôn Lại Truyền Thống Sân Khấu

Nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Hằng và 50 thí sinh đã vượt qua vòng sơ khảo chương trình Học viện Cải lương đã cùng đến thăm Chùa Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp. Đây là nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương.

NSND Bạch Tuyết nhớ lại nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ khi được làm học trò của NSND Phùng Há – người thầy bà rất yêu kính, nể phục. Ảnh: NGUYỄN LÂM

Theo NSND Bạch Tuyết, dù qua bao năm tháng thì truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong văn hoá ứng xử của người Việt nói chung.

Để có được sự phát triển của sân khấu hôm nay, các tiền nhân đã chịu nhiều hy sinh, đắng cay, khổ nhọc. Vậy nên, chuyến đến thăm, dâng hương, cùng ôn lại lịch sử, ghi nhớ công ơn của tiền nhân của nữ nghệ sĩ và các bạn trẻ sẽ giúp người trẻ hiểu thêm về vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ trong công việc chuyên môn và đối với cuộc sống xã hội.

NSND Bạch Tuyết thắp nén hương thơm nhớ tác giả Hoa Phượng. Ảnh: NGUYỄN LÂM

Tại đây, các nghệ sĩ và 50 thí sinh đã dâng hương, thăm mộ phần của NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, tác giả Hoa Phượng…

NSND Bạch Tuyết đã ôn lại nhiều kỷ niệm với NSND Phùng Há – người thầy đã truyền dạy, đào tạo NSND Bạch Tuyết khi bà mới vào nghề.

“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết tâm sự: “Từ khi vào nghề đến khi nổi tiếng, tôi vẫn luôn nhớ từng lời dạy của bà. Những gì tôi làm theo lời bà, thì mọi thứ đều thành sự thật. Đây là phước báu lớn trong đời, hiếm ai có được. Mẹ tôi mất khi tôi 8 tuổi, vì thế, bà như chỗ dựa cho tôi. Tôi chỉ biết hứa rằng khi còn hơi thở sẽ làm cải lương thật tốt”.

NSND Bạch Tuyết cho biết, bà nhớ mãi buổi học nghề với NSND Phùng Há và nghệ sĩ Kim Cúc, dạy diễn tuồng Thái hậu Dương Vân Nga: “Má hai Kim Cúc nhờ một số bạn lấy thước đo từ mặt đất lên cánh tay tôi và bà dặn, từ đó trở về sau, khi ra sân khấu phải để tay đúng như vậy. Còn má bảy Phùng Há dặn khi đưa tay ra, làm sao phải để khán giả muốn đỡ lấy.

Các bạn trẻ chia sẻ những cảm xúc đong đầy về chuyến đi tìm về với cội nguồn, tưởng nhớ bậc tiền nhân. Ảnh: NGUYỄN LÂM

NSND Phùng Há dạy chúng tôi phải giữ thân thật tốt. Việc giữ gìn này cho bản thân nghệ sĩ lẫn khán giả. Khán giả vốn đã thấy nghệ sĩ đẹp trên sân khấu thì ngoài đời cũng như thế, không được để mình xấu xí, kém chỉn chu, ứng xử kém văn hoá. Điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng khán giả”.

Với sân khấu hôm nay, NSND Bạch Tuyết mong muốn đào tạo được nhiều nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, vì theo nữ nghệ sĩ, sân khấu cải lương đang rất cần sự thay đổi, để thích nghi, tồn tại và phát triển. Đó cũng là lý do để NSND Bạch Tuyết cùng các cộng sự sáng tạo ra chương trình truyền hình thực tế Học viện Cải lương, hướng đến việc đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, nhằm thích nghi với sự thay đổi, chuyển biến của thị trường văn hoá giải trí hiện tại và tương lai.

Các nghệ sĩ mới sẽ không chỉ biểu diễn, mà còn là người làm văn hóa, tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo NSND Bạch Tuyết, ngoài sự nỗ lực của các nghệ sĩ kỳ cựu và nghệ sĩ thế hệ trẻ thì cũng cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu này.

Nhiều thí sinh trong top 50 của cuộc thi cho biết, nhờ sự trải nghiệm rất mới mẻ và nhiều ý nghĩa này, đã được hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu, sự hy sinh của các bậc tiền nhân, để từ đó tâm niệm sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân hơn để từng bước đạt được ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật.

Thúy BìnhBáo Sài Gòn Giải Phóng (18/01/2024)

Điều Ít Biết Về NSND Bạch Tuyết – Người Lọt Top 50 Phụ Nữ Châu Á Có Tầm Ảnh Hưởng Ở Tuổi 79

SKĐS – NSND Bạch Tuyết – người được mệnh danh “cải lương chi bảo” (bảo vật của nghệ thuật cải lương) vừa được tạp chí Forbes vinh danh trong Top 50 phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng.

Ngày 17/1, Forbes lựa chọn NSND Bạch Tuyết vào top 50 người phụ nữ trên 50 tuổi (50 Over 50) có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á.

Danh sách vinh danh 50 người phụ nữ trên 50 tuổi ở khu vực châu Á có những đóng góp to lớn, sự ảnh hưởng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực như: y học, tài chính, nghệ thuật… Các gương mặt được chọn đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

NSND Bạch Tuyết

Năm nay, Forbes giới thiệu các gương mặt đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, NSND Bạch Tuyết được giới thiệu là nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với bộ môn cải lương tuồng cổ. Bà có bằng Tiến sĩ và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – danh hiệu cao quý dành cho người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Về lựa chọn này, tờ tạp chí viết: “Nguyễn Thị Bạch Tuyết (tên đầy đủ) là một nghệ sĩ của mọi nhà ở Việt Nam, được biết đến với dòng nhạc cải lương – một loại hình ca kịch truyền thống hiện đại.

Bà đã lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1985 và ở độ tuổi 60, bà được công nhận là nghệ sĩ nhân dân, sự công nhận cao nhất của Việt Nam dành cho những người trong ngành sáng tạo”.

“Năm 2022, bà đoạt giải tại hạng mục âm nhạc ở giải thưởng TikTok Awards, với ca khúc Về nghe mẹ ru. Sự hợp tác của bà với các thể loại nghệ thuật đương đại như hip-hop đã thu hút gần 20 triệu lượt xem. Bà đang thực hiện một chương trình truyền hình thực tế vào năm 2024 này”, Forbes viết.

Ở tuổi 79 bà tiếp tục được ghi nhận với những đóng góp và sức ảnh hưởng của mình.

NSND Bạch Tuyết quê Châu Đốc, An Giang, lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1962 với vai cô lái đò, vở Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa của tác giả Trọng Nguyên.

Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng – Ngọc Điệp, Bạch Tuyết tiếp tục nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí lúc bấy giờ phong tặng danh hiệu “Cải lương chi bảo”.

Bộ đôi Bạch Tuyết – Hùng Cường để lại dấu ấn đẹp nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương. Ngoài ra, bà còn biểu diễn ăn ý với các nam nghệ sĩ như Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương. Bạch Tuyết là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thể nghiệm với vai trò độc diễn trong Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua.

Thời gian qua, NSND Bạch Tuyết đã có nhiều cống hiến, đóng góp trong việc đưa cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua các bản cover nhạc trẻ theo phong cách vọng cổ và kết hợp với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ.

Dịp này, NSND Bạch Tuyết ra mắt MV Cô Ba ca cổ kết hợp cùng giọng ca gen Z Hồ Phi Nal. Ca khúc mang âm hưởng nhạc quê hương miền Tây, kết hợp với lý, câu vọng cổ ở giữa bài. Nội dung bài hát ngợi ca vẻ đẹp cảnh sắc, phẩm chất của con người miền Tây, lồng ghép vào đó là hình ảnh về “một cô Ba hát hay” khiến người nghe có thể liên tưởng đến NSND Bạch Tuyết.

Ở tuổi 70 nhưng nghệ sĩ Bạch Tuyết luôn nắm bắt xu thế, kết hợp cùng các ca sĩ trẻ, cho ra MV đặc sắc, mang màu sắc rất riêng. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cho biết, bà luôn luôn quan sát thị trường âm nhạc hiện nay và biết đến Hồ Phi Nal qua bản “hit” Rồi tới luôn.

NSND Bạch Tuyết lần đầu kết hợp cùng Hồ Phi Nal.

Sau thành công của ca khúc Về nghe mẹ ru kết hợp cùng ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và 14 Casper, nghệ sĩ Bạch Tuyết và ê-kíp có nhắm đến Hồ Phi Nal nhưng chưa có duyên hợp tác.

Sau khi bà kết hợp cùng rapper Wowy thực hiện MV Tia sáng cuối cùng. Hiện tại, Bạch Tuyết mới có duyên hợp tác cùng Hồ Phi Nal. Điều này cho thấy độ “chịu chơi” của nghệ sĩ Bạch Tuyết khi đưa vọng cổ vào âm nhạc của bạn trẻ, với mong muốn giữ gìn và lan tỏa âm nhạc truyền thống của dân tộc.

NSND Bạch Tuyết và Hồ Phi Nal mất 4 tháng, từ khâu lên ý tưởng cho đến khi thực hiện thành sản phẩm, ra mắt khán giả. Phần nhạc, bài lý Lý Cô Ba do Hồ Phi Nal viết lời, còn phần vọng cổ do chính NSND Bạch Tuyết viết.

NSND Bạch Tuyết luôn thích sự đổi mới trong việc làm nghệ thuật. Vì thế, bà không có sự trăn trở nào khi hợp tác với Hồ Phi Nal, dẫu có sự cách biệt về thế hệ khá lớn. Bà luôn mong cả hai có được tiếng nói chung để tạo ra sản phẩm nghệ thuật chỉn chu dành tặng khán giả.

Ở tuổi U80, NSND Bạch Tuyết có trải nghiệm thú vị khi làm việc liên tục 2 ngày cùng ê-kíp để quay hình cho MV tại Đồng Tháp (quê nhà của Hồ Phi Nal). Vài ngày sau khi ghi hình, MV chính thức được giới thiệu đến khán giả.

NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945, là tên tuổi gạo cội của cải lương Việt Nam, được mệnh danh là “cải lương chi bảo” (bảo vật của nghệ thuật cải lương).

Bà từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965, nổi tiếng với các vở: Thái hậu Dương Vân Nga (vai Thái hậu), Đời cô Lựu (vai cô Lựu), Tuyệt tình ca (vai Lê Trường An), Lục Vân Tiên (vai Kiều Nguyệt Nga)…

NSND Bạch Tuyết cũng là Tiến sĩ Nghệ thuật học đầu tiên chuyên ngành Cải lương Việt Nam.

Tú DiệpBáo Sức Khỏe và Đời Sống (18-01-2024)

Source: https://www.forbes.com/sites/ranawehbe/2024/01/16/50-over-50-asia-2024/?sh=1fab6e39183a

78 | Singer | Vietnam – Bach Tuyet

Nguyen Thi Bach Tuyet (full name) is a household staple in Vietnam, known for “Cai luong” – a modern form of traditional opera. She earned a Ph.D. in Art in 1995 and, in her 60s, was recognized as a People’s Artist, the nation’s highest recognition for people in the creativity industry. She won the TikTok Awards Vietnam in Music of the Year in 2022 for “Về Nghe Mẹ Ru – Coming home to listen to Mommy’s Lullaby.” Her collaborations with contemporary art forms such as hip-hop has generated nearly 20 million views, and she is now working on a 2024 game show.

Nghệ Sĩ Háo Hức Với Giải ‘Bông Lúa Vàng’ Tròn 30 Tuổi

Một chặng đường đáng nễ của giải thưởng uy tín nhằm phát hiện, bổ sung cho phong trào đờn ca tài tử và cải lương nhiều hạt nhân nồng cốt, để đến hôm nay nhắc đến ‘Bông Lúa Vàng’ của VOH khán thính giả luôn biết ơn sân chơi ý nghĩa này.

NSND Bạch Tuyết (giữa) đã đồng hành nhiều năm với cuộc thi “Bông Lúa Vàng” của VOH

Chiều ngày 29-12, Ban Tổ chức cuộc thi “Bông Lúa Vàng” đã tổ chức họp báokỷ niệm 30 năm tổ chức giải, nhân dịp kỷ niệm 10 năm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dịp hội tụ các nghệ sĩ đã thành danh từ cuộc thi “Bông Lúa Vàng” và tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật, đóng góp nhiều cho cuộc thi.

Ông Nguyễn Nam Tuấn – Phó giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM cho biết: “Cuộc thi “Bông Lúa Vàng” được tổ chức lần đầu tiên năm 1993 đến nay trải qua 30 năm đã đi được hành trình dài trong việc bảo tồn, phát huy giá trị tinh thần vô cùng đáng quý của nhân loại.

Hành trình 30 năm đầy tự hào, cuộc thi đã được công nhận là chương trình phát thanh đầu tiên đạt kỷ lục lâu đời nhất trong hệ thống phát thanh truyền hình cả nước. Với hơn 1.500 chương trình phát sóng hàng tuần – định hình thói quen nghe đài, thưởng thức cải lương của bà con nông dân.

Cuộc thi đã quy tụ ban giám khảo là những soạn giả tên tuổi và những nghệ sĩ cải lương danh tiếng: soạn giả Ngô Hồng Khanh, soạn giả Minh Thùy, NSND Phượng Loan, NSƯT Phượng Hằng, Thạc sĩ – NSƯT Huỳnh Khải, NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Thanh Hằng.

Nơi đây cũng là bệ phóng cho hàng ngàn thí sinh “tỏa sáng tài năng cải lương” với nhiều tên tuổi không còn xa lạ với khán giả mê cải lương như: NSƯT Tuyết Ngân, NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Thu Vân…”

NSƯT Huỳnh Khải trong buổi họp báo “30 năm cuộc thi Bông Lúa Vàng”

Đối với các nghệ sĩ đã gắn bó với cuộc thi “Bông Lúa Vàng”, đây là giai đoạn háo hức vì năm 2023 là một năm vô cùng đặc biệt của “Bông Lúa Vàng. Các biên tập viên, các chuyên viên kỹ thuật đã gắn bó với các mùa giải qua từng thời kỳ đã xúc động bày tỏ niềm vui về sự trưởng thành của “Bông Lúa Vàng” – một thương hiệu đã gắn bó với làn sóng phát thanh, được giới chuyên môn đánh giá cao, được đông đảo khán thính giả yêu thích.

Vì thế, BTC đã thực hiện một chuỗi những sự kiện để để đánh dấu hành trình ấn tượng như thực hiện chuyên mục “30 năm hành trình Bông Lúa Vàng” phát sóng hàng tuần, nơi gặp gỡ giao lưu ôn lại những nhân vật gắn bó với cuộc thi suốt 30 năm qua.

Bên cạnh đó, tổ chức cuộc thi viết sáng tác kỷ niệm “30 năm Bông lúa vàng” và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của gần 100 tác giả khắp mọi miền tổ quốc. Một cuộc triển lãm ảnh “30 năm Bông Lúa Vàng” cũng đã được khai mạc với nhiều hình ảnh, tư liệu, phục trang sân khấu, nhạc cụ gắn bó với đời sống của “Bông Lúa Vàng”. Một kỷ yếu 30 năm của cuộc thi cũng sẽ được phát hành trong thời gian tới.

Qua mỗi mùa thi các thí sinh của giải “Bông Lúa Vàng” đã được quảng bá sâu rộng

Kỷ yếu sẽ là hình ảnh BTC, BGK, thí sinh, nghệ sĩ, ban nhạc… qua các thời kỳ, tập trung vào những người đã giành giải thưởng, các hình ảnh đặc sắc, sự kiện đáng nhớ của cuộc thi trong suốt 30 năm qua. Kỷ yếu sẽ phát hành online trên trang trên Website: voh.com.vn và Fanpage: Bông Lúa Vàng sau khi diễn ra Chung kết xếp hạng cuộc thi năm 2023.

Đặc biệt, Vòng chung kết xếp hạng cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 6-1-2024 tới đây với phần tranh tài đặc sắc của 6 thí sinh xuất sắc: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thanh Phường, Huỳnh Thị Lý, Nguyễn Quỳnh Như và Huỳnh Thị Bé Nhiên.

Tiếp tục đồng hành ở vị trí giám khảo cuộc thi là các nghệ sĩ tên tuổi, uy tín của làng sân khấu thành phố: NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Huỳnh Khải, nghệ sĩ Thanh Hằng.

Thành tựu của mỗi mùa giải đã tạo cơ hội cho nhiều thí sinh trẻ đến với sân khấu chuyên nghiệp

Lễ kỷ niệm 30 năm cuộc thi “Bông Lúa Vàng” sẽ được tổ chức tối 13-1-2024 vào lúc 19 giờ ngày 13-1-2024, tại Nhà hát VOH MUSIC ONE – Đài Tiếng Nói nhân TP HCM, số 3 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1. Đây sẽ là một ngày hội quy tụ tất cả những gương mặt thân quen của ngôi nhà “Bông Lúa Vàng” như: NSND Bạch Tuyết, NSND Trọng Phúc, NSƯT Phượng Hằng, NSND Mỹ Hằng, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Hải Long …. cùng các nghệ sĩ đã thành danh từ “Bông Lúa Vàng”.

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm cuộc thi Bông Lúa Vàng còn có cuộc thi viết sáng tác kỷ niệm “30 năm Bông lúa vàng”- đã được khởi động từ tháng 10-2023 đến hết ngày 30-11-2023. Đến nay, BTC đã nhận được gần 100 bài dự thi với đa dạng thể loại như: văn, thơ, bài vọng cổ, bài cảm nhận…

Kết quả: 5 tác phẩm được chọn để trao giải:

1 Giải tác phẩm được yêu thích nhất: 4 Giải khuyến khích

Tác phẩm Nơi truyền lửa đam mê – tác giả Trọng Thể

Tác phẩm: 30 năm, Bông Lúa ngạt ngào – tác giả Dung Hồ

Tác phẩm Lúa vàng trĩu hạt – tác giả Trần Thanh Dư

Tác phẩm 30 năm một tình yêu – tác giả Trần Minh Tuấn

Tác phẩm Tôi đam mê chương trình thi ca cổ cải lương – tác giả Trần Hữu Toàn

Đêm GALA hội tụ và trao giải cuộc thi năm 2023 sẽ diễn ra tại nhà hát VOH MUSIC ONE – Đài Tiếng Nói nhân TP.HCM với các nội dung: Phỏng vấn giao lưu cá nhân, tập thể tiêu biểu đóng góp trong suốt 30 năm cuộc thi, gặp gỡ giữa các nghệ sĩ, BGK qua các thời kỳ, BTC qua các thời kỳ… Vinh danh các tổ chức, cá nhân đóng góp, trao Bằng khen, quà lưu niệm cho cá nhân, tập thể.

Thanh Hiệp (ảnh Thanh Hiệp và BTC) – Báo Người Lao Động (29/12/2023

“Học Viện Cải Lương”: Dự Án Tâm Huyết Của NSND Bạch Tuyết Ở Tuổi 80

(NLĐO) – Luôn trăn trở và đau đáu về sự kế thừa đầy nội lực của thế hệ diễn viên trẻ, với phương châm muốn làm nghề thật tốt thì phải học, dự án của NSND Bạch Tuyết đang tạo sự chú ý

Từ trái sang: Nghệ sĩ Thanh Hằng, NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh

Ngày 18-12, NSND Bạch Tuyết đã công bố dự án mới của bà, đó là chương trình “Học viện Cải lương” – chương trình truyền hình thực tế với tổ hợp gồm đào tạo – tranh tài – trình diễn. Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết.

Cùng tham gia với bà còn có hai nghệ sĩ: Châu Thanh, Thanh Hằng cùng với “thầy đờn” – nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình.

NSND Bạch Tuyết

NSND Bạch Tuyết đã từng ngồi ghế nóng các cuộc thi tuyển chọn tài năng trẻ và các Liên hoan, hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhiều thập niên qua, nên bà rất có uy tín và kinh nghiệm để thực hiện dự án này.

Bà chia sẻ, chương trình sẽ trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca – diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp.

Đồng thời chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa – nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Thanh Hằng

“Đặt ra tiêu chí rõ ràng, chương trình này nhằm đi tìm – đào tạo – truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ – giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, thử thách.

Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương, sân khấu. Tôi rất vui khi một số đồng nghiệp đã đồng hành cùng tôi để thực hiện dự án mới này và sẽ khởi động trong năm 2024″ – NSND Bạch Tuyết cho biết.

Chương trình hứa hẹn sẽ là điểm hẹn của khán giả yêu thích sân khấu cải lương và cùng tìm hiểu các miền văn hóa với những di sản vật thể và phi vật thể – truyền khẩu. Từ những câu chuyện và con người được kể qua từng số phát sóng trên Today TV và kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết sẽ góp phần bồi đắp và khám phá những trầm tích văn hóa Việt, trong đó có nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Châu Thanh

“Học viện Cải lương” sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần. Nhà sản xuất bật mí chương trình sẽ mang màu sắc rất khác biệt so với trước nay về nghệ thuật cải lương.

Tiêu chí quan trọng là hướng đến số đông khán giả trẻ. “Bởi chính họ là thành tố quan trọng để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương” – NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết, chị hào hứng khi nhận lời tham gia chương trình này, vì chị biết đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế.

Nghệ sĩ Thanh Hằng nói trong quá trình làm nghề chị đã may mắn được làm việc cùng với những bậc tiền bối. Từ sau khi đoạt HCV Trần Hữu Trang năm 1991, chị đã có nhiều cơ hội làm việc, học tập với NSND Bạch Tuyết. “Bà mang đến cho tôi nhiều bài học, đặc biệt là tư duy sáng tạo, làm đẹp cho nghệ thuật cải lương. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia chương trình, chị gật đầu ngay” – nghệ sĩ Thanh Hằng tâm sự.

Riêng nghệ sĩ Châu Thanh luôn mong có cơ hội làm việc cùng NSND Bạch Tuyết, bởi không chỉ học ở đàn chị về chuyên môn nghề nghiệp mà còn về tư duy đạo đức.

“Trong đời đi hát, tôi luôn nhớ ơn những người đàn anh, đàn chị đã nâng đỡ mình từ những ngày chập chững bước chân vào nghề. Hiện tại, được làm chiếc cầu nối để gắn kết, giúp đỡ thế hệ đàn em là một niềm hạnh phúc. Trong chương trình, tôi sẽ truyền cảm hứng và động viên các bạn trẻ để các bạn tự tin hơn và giữ mãi niềm đam mê của mình” nghệ sĩ Châu Thanh chia sẻ.

Thanh Hiệp (ảnh do NSCC) – Báo Người Lao Động (18/12/2023)

Hướng Đi Mới Của Nghệ Sĩ Nhân Dân Bạch Tuyết Ở Tuổi U80

Ở tuổi U80, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết mong muốn đào tạo thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ để giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết (giữa) mong muốn đào tạo thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ. Ảnh: NSCC.

NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”. Bà từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965, nổi tiếng với các vở kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên…

Một nghệ sĩ tiên phong hoạt động mạng xã hội rầm rộ là NSND Bạch Tuyết. Bà đã lập fanpage, kênh YouTube, trang web cách đây nhiều năm. Gần đây, bà còn lấn sân sang TikTok, nền tảng đang được rất nhiều giới trẻ ưa chuộng.

Thời gian qua, bà có nhiều dự án để phát triển cải lương, đưa nghệ thuật này gần hơn với công chúng thông qua YouTube, TikTok. Bà cover nhiều ca khúc nhạc trẻ thành phiên bản vọng cổ, chia sẻ trên mạng.

Bà còn phát triển dự án Tinh hoa cải lương, gồm nhiều video clip ngắn trên TikTok, YouTube, với mục đích cung cấp kiến thức cũng như những thông tin thú vị về những vở diễn kinh điển cho người xem.

Mỗi video, NSND Bạch Tuyết sẽ cùng tương tác với những bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau…

NSND Bạch Tuyết cũng thường xuyên kết hợp với các trường đại học để giao lưu, chia sẻ về cải lương với sinh viên thông qua các buổi nói chuyện với chủ đề rất đa dạng. Tất cả đều được cập nhật liên tục trên các nền tảng này.

Mục tiêu lớn nhất của bà là đưa cải lương hiện diện trong họ, ít nhất để họ có thể biết và tiếp tục lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, bà còn ra mắt “Học viện Cải lương”. Đây là chương trình truyền hình thực tế với tổ hợp gồm đào tạo – tranh tài – trình diễn. Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND – Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” – nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình.

Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca – diễn cải lương. Đồng thời, chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa – nghệ thuật nước nhà.

NSND Bạch Tuyết kì vọng tìm kiếm những thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ. Ảnh: NSCC.

Theo NSND Bạch Tuyết, bà có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình. Các thầy cô trong học viện sẽ đồng hành, giúp đỡ để học viên phát triển về sau.

Học viện Cải lương sẽ có 12 tập. Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế.

“Có 2 việc mà con người không thể nào biết được. Một là ngày mình sinh ra và hai là ngày mình rời đi. Cho nên, mỗi ngày mở mắt ra thấy mình vẫn còn sống thì tôi vẫn còn tiếp tục làm việc để trả ơn đời, trả ơn cha mẹ, trả ơn Tổ nghiệp… Căn bản của đạo làm người là thương người (thương vật) và lòng biết ơn. Nên cứ làm việc hết lòng khi còn thở”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

“Tôi mong muốn những người trẻ có một sân chơi để cùng hát, ca, gặp gỡ, tự học nhau. Các chuyên gia giúp họ phát triển được khả năng đang có, phát triển tư duy”, NSND Bạch Tuyết nói thêm.

Nghệ sĩ Thanh Hằng nói trong quá trình làm nghề, may mắn được làm việc cùng với những bậc tiền bối. Trong đó, NSND Bạch Tuyết mang đến cho chị nhiều bài học, đặc biệt là tư duy sáng tạo, làm đẹp cho nghệ thuật cải lương. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia chương trình, chị gật đầu ngay.

Nghệ sĩ Châu Thanh nói luôn mong có cơ hội làm việc cùng NSND Bạch Tuyết, bởi không chỉ học ở đàn chị về chuyên môn nghề nghiệp mà còn về tư duy đạo đức. Chương trình bắt đầu phát sóng từ tháng 4.2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

Di Py – Báo Lao Động (18/12/2023)

NSND Bạch Tuyết Khởi Động Học Viện Cải Lương

Chương trình truyền hình thực tế Học viện Cải lương do NSND Bạch Tuyết kết hợp với các nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng và nhạc sĩ – NSND Thanh Hải thực hiện vừa được khởi động.

NSND Bạch Tuyết, NS Châu Thanh và NS Thanh Hằng cùng hợp tác thực hiện “Học viện Cải lương”. Ảnh: TIÊU PHÀM

Chương trình sẽ phát sóng từ tháng 4-2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

Chương trình truyền hình thực tế Học viện Cải lương được thực hiện với tổ hợp nội dung: đào tạo – tranh tài – trình diễn, trang bị kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca – diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp; hướng đến việc đào tạo thành người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa – nghệ thuật.

Tiêu chí của chương trình là đi tìm – đào tạo – truyền nghề, đặc biệt chú trọng “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên.

Ngoài ca – diễn, học viên cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: trang điểm, catwalk, chụp ảnh…

Cải lương là một trong số ít loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc có tính thích nghi cao, phổ biến rộng, vì thế, Học viện Cải lương sẽ kết nối với một số xu hướng nghệ thuật – giải trí hiện đại, qua đó giúp học viên tích lũy thêm kiến thức cho quá trình sáng tạo.

NSND Bạch Tuyết. Ảnh: TIÊU PHÀM

Những tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật khác sẽ là khách mời của học viện để giao lưu, trao đổi và truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cùng nhau.

Học viện Cải lương sẽ giới thiệu những gương mặt mới, những sản phẩm mới và Nhà sản xuất (NSX) có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình.

Học viện Cải lương sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần. Học viên tham gia từ 16 tuổi đến 40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch.

Qua chương trình, NSX cũng mong chương trình có thể tiếp cận được nhiều khán giả trẻ, vì người trẻ chính là thành tố quan trọng để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương.

Theo NSND Bạch Tuyết: “Học viện Cải lương là ngôi nhà chung, nơi gặp nhau của nhiều thế hệ trong trăm năm cải lương. Ở đó, họ có thể lắng nghe nhau, trao đổi thông tin về nghệ thuật cải lương – văn hóa Việt thời kỹ thuật số. Đây là chương trình vừa chơi, vừa học. Trong đó việc chơi cũng phải nghiêm túc, có trách nhiệm. Tôi mong muốn những người trẻ có một sân chơi để cùng hát, ca, gặp gỡ, tự học nhau. Các chuyên gia giúp họ phát triển được khả năng đang có, phát triển tư duy”.

Theo bà, việc nhận định, phát hiện ra những tài năng phù hợp với dạng vai nào đó thật sự quan trọng, vì trong quá khứ, cũng nhờ những bậc thầy đã sớm nhận ra điều này, mới có thể tạo ra những vở cải lương kinh điển, những vai diễn để đời cho các nghệ sĩ. Việc định hình này sẽ được thể hiện trong quá trình đào tạo của học viện. Bên cạnh đó, theo NSND Bạch Tuyết, sự nỗ lực tự thân của những tài năng trẻ là hết sức quan trọng.

THÚY BÌNH – Báo Sài Gòn Giải Phóng (18/12/2023)